Nằm cách trung tâm TP Tam Kỳ (Quảng Nam) về phía tây chừng hơn 100 km, tiếp giáp với huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và huyện Kon Plong (Kon Tum), huyện miền núi cao Nam Trà My có diện tích tự nhiên khoảng hơn 82 nghìn m2, với địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn và bị chia cắt bởi nhiều sông suối. Dân cư chưa đến 30 nghìn người, chủ yếu là đồng bào các dân tộc như: Xơ Đăng, Cor, Mnông… sống phân tán, rải rác ở 43 thôn (thuộc mười xã), cho nên gây nhiều khó khăn trong quy hoạch sắp xếp dân cư và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là trong xây dựng phát triển mạng lưới giao thông nông thôn (GTNT).
Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, những năm qua, hệ thống GTNT ở huyện Nam Trà My, nhất là hệ thống giao thông trọng yếu, khu vực đông dân cư ở địa phương đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Đến nay, đã có hơn 200 km đường liên huyện và các tuyến đường liên xã, liên thôn được cứng hóa. Qua đó, bước đầu tạo thuận lợi cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn giao lưu, phát triển sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống sinh hoạt của người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, mạng lưới GTNT được xây dựng chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đợt khảo sát vào đầu năm ngoái, toàn huyện còn khoảng 260 km đường mòn, đường đất về các thôn, bản chưa được bê-tông hóa… gây khó khăn, trở ngại trong việc đi lại của đồng bào ở các xã vùng sâu, vùng xa, nhất là vào mùa mưa bão.
Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng Nam Trà My Nguyễn Đình Tân cho biết: "Nếu trông chờ vào nguồn vốn đầu tư “nhỏ giọt” hằng năm của tỉnh thì tiến độ bê-tông hóa chậm, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Do vậy, vào giữa năm 2015, Huyện ủy và chính quyền địa phương đã phát động toàn dân tự làm đường giao thông liên thôn, liên bản… theo phương châm: Ngân sách huyện hỗ trợ xi-măng và một phần kinh phí vận chuyển vật liệu, nhân dân tham gia ngày công lao động. Theo chủ trương này, cứ khi người dân ở các xã làm hơn 1 km đường GTNT theo quy hoạch, ngân sách huyện sẽ hỗ trợ toàn bộ xi-măng và 50 triệu đồng, nên người dân rất hào hứng ra quân làm đường bê-tông...".
Dẫn chúng tôi thăm tuyến đường bê-tông vừa mới hoàn thành nối từ tuyến đường liên thôn lên bản Mô Chay (thuộc thôn 1, xã Trà Linh), ông Nguyễn Đình Tân cho biết, đây là một trong chín tuyến đường được chọn làm thí điểm trong năm 2015 theo phương châm dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ vật liệu. Tuyến đường này được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng đúng dịp Tết cổ truyền Bính Thân vừa rồi, nên người dân địa phương rất phấn khởi. Gặp ông Nguyễn Văn Bộ (70 tuổi, ở thôn 1, xã Trà Linh), chỉ tay về phía con đường mới được bê-tông hóa chạy ngang trước nhà mình, giọng ông hồ hởi: "Từ khi con đường gần 2 km lên bản Mô Chay được bê-tông hóa, việc đi lại, phát triển sản xuất của gần 30 hộ dân ở đây rất thuận lợi. Có đường bê-tông về tận bản, tận làng và rẽ đến từng nhà, không chỉ giúp con em đến trường đúng giờ, mà thời gian qua, đã có nhiều hộ trong thôn sắm được xe máy để đi lại, vận chuyển lương thực, hàng hóa… nên tình trạng khuân vác, leo dốc từng bước được khắc phục".
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu cho biết: "Chủ trương mở đường làm GTNT về các thôn, bản ở huyện Nam Trà My đã được đồng bào các dân tộc đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia. Nhiều nơi, bà con đã tự nguyện hiến đất ở, đất vườn, cây cối, hoa màu để mở các tuyến đường bê-tông được thẳng hơn, ít quanh co và giảm độ dốc nhằm phục vụ đi lại, phát triển sản xuất và bảo đảm an toàn giao thông. Điều đáng nói là, ngoài nguồn kinh phí huyện đầu tư theo quy định, nhân dân ở các xã đã tham gia hơn sáu nghìn ngày công lao động vào việc giải phóng mặt bằng, vận chuyển cát sỏi và tổ chức thi công; còn các doanh nghiệp hỗ trợ khoảng 900 triệu đồng tiền mặt và vật liệu để làm đường. Qua hơn một năm triển khai thí điểm, việc vận động nhân dân mở đường đã đạt kết quả khả quan. Hầu hết các xã đều đã tiến hành khảo sát địa hình, lập dự án và vận động nhân dân tham gia thực hiện. Theo số liệu tổng hợp từ các xã, đến nay, toàn huyện đã mở được 10km đường bê-tông, với chiều rộng từ 2,5 đến 3 m về các bản, làng vùng cao. Năm 2016, cũng với cơ chế đó, huyện Nam Trà My tiếp tục phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020, mỗi năm đầu tư làm 20 km đường bê-tông GTNT về các thôn, bản…".
Trao đổi ý kiến với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của huyện, chúng tôi nhận thấy, việc triển khai làm đường GTNT ở Nam Trà My được thực hiện khá bài bản. Ngoài việc hỗ trợ một phần kinh phí, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã làm tốt công tác vận động, nâng cao nhận thức và biết huy động cả cộng đồng vào cuộc, nên phong trào làm đường GTNT đã tạo sức lan tỏa, đem lại kết quả thiết thực. Điều đáng nói, ngoài việc có đường để người dân đi lại thuận tiện, thì kết quả mang lại lớn nhất là nhận thức của cộng đồng dân cư đã chuyển biến tích cực; tính trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ bao cấp của Nhà nước đã thay đổi. Nhân dân đã phát huy được vai trò chủ thể trong xây dựng cộng đồng, nêu cao trách nhiệm, tinh thần giúp đỡ, đoàn kết trong thôn, bản. Thiết nghĩ, đây là việc làm hay, năng động, cần được phát huy và nhân rộng trong thực hiện các chương trình, chủ trương khác của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong việc thực hiện chương trình vận động, tuyên truyền nhân dân tự làm đường GTNT và chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay…