Chi tiết tin

Huyền thoại Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ

"Nước mắt mẹ không còn, để khóc những đứa con. Lần lượt ra đi, đi mãi mãi". Có lẽ, không đâu trên đất nước này có người mẹ hi sinh cho Tổ quốc nhiều người con, người cháu như mẹ Thứ. "Mẹ đã tiếp thêm nghị lực cho chúng con vững bước. Mẹ là Mẹ Việt Nam".

Mẹ Nguyễn Thị Thứ (1904 - 2010), sinh tại thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bà có chồng, 9 người con trai, 1 một người con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ, hi sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc. 

Năm 18 tuổi mẹ lập gia đình. Chồng mẹ là cụ Lê Tự Trị. Năm 20 tuổi mẹ sinh con gái đầu lòng là chị Lê Thị Trị (còn gọi là Hai Trị). Thời gian trôi qua, mẹ có đến 12 người con (01 gái, 11 trai). Cả cuộc đời mẹ Thứ nuôi con trong những năm tháng lận đận, đói nghèo nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, mẹ lần lượt động viên 9 người con ra chiến trường. Người con gái lớn cùng bà bám trụ với xóm Rừng vừa sản xuất, vừa đào hầm nuôi giấu cán bộ, du kích đánh giặc giữ làng.

Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, 4 người con Lê Tự Xiến, Lê Tự Hàng Anh, Lê Tự Hàng Em, Lê Tự Lem của mẹ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường. Trong cùng năm 1948, Mẹ lần lượt nhận tin ba anh con trai hi sinh. Mỗi lần nghe tin một người con hi sinh, Mẹ cắn răng khóc thầm. Mẹ thẫn thờ lặng im hoặc quẩn quanh trong vườn nhà nhặt cái này, lượm cái kia như người mê sảng”. Thời gian dần nguôi ngoai, mẹ tiếp tục động viên  các anh khác lên đường. Các anh rời nhà ra đi, nhiều đêm dài sau đó mẹ trằn trọc, thức trắng âu lo.

21 năm chống Mỹ cứu nước, 5 người con Lê Tự Nự, Lê Tự Trịnh, Lê Tự Mười, Lê Tự Thịnh, Lê Tự Chuyển của mẹ cũng lần lượt ngã xuống. Ngày 30/4/1975, người con trai lớn Lê Tự Chuyển đã hi sinh trên đường Trương Minh Giảng, khi đang đưa quân giải phóng vào giải phóng Sài Gòn. 

Ba mươi năm kháng chiến trường kỳ, bao đau thương mất mát đã tới tấp dội đến gia đình mẹ “chín đứa con ra đi không một đứa trở về”.

 “Chín đứa con của Mẹ ra đi không một đứa trở về”

Không những thế, người con rể Ngô Tường tham gia cách mạng từ thời chống Pháp, bị bắt năm 1956. Bị tra tấn dã man nhưng ông không khai báo nửa lời. Bị đánh đập đến kiệt sức, thi thể ông được chôn tại bãi cát Cẩm Hà (Hội An).


Cháu ngoại của Mẹ là Ngô Thị Cúc và Ngô Thị Điểu gia nhập lực lượng cách mạng từ rất sớm. Năm 1973, chị Ngô Thị Cúc hi sinh trong một chuyến công tác vào vùng địch hậu. Tháng 8/ 1970, chị Ngô Thị Điểu bị lính Mỹ đưa lên máy bay ra tàu thủy để tra hỏi, nhưng chưa tra hỏi được gì thì chị đã hi sinh.

Tại khu vườn của nhà mẹ có 5 hầm bí mật, nơi Mẹ và con gái đầu Lê Thị Trị nuôi giấu nhiều cán bộ, bộ đội, du kích Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Bao đêm dài mẹ thao thức canh chừng nhiều cuộc họp quan trọng của cán bộ, chiến sĩ ngay dưới những căn hầm bí mật trong khu vườn nhà. "Mẹ về đứng dưới mưa, che đàn con nằm ngủ, canh từng bước quân thù, Gió mưa tóc che lối con đi". 

Ngày 17/12/1994, Mẹ Nguyễn Thị Thứ đã được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. 

Ngày 27/07/2009,tỉnh Quảng Nam đã khởi công xây dựng Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu hình tượng của Mẹ Nguyễn Thị Thứ. 

 Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu hình tượng của Mẹ Nguyễn Thị Thứ tại tỉnh Quảng Nam

Từ tháng 12/2011, tại thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn có con đường tên là Mẹ Thứ.

Bức tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ  do tác giả Nguyễn Long Biểu sáng tác bằng đá sa thạch hiện được trưng bày tại khu vực ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Chiếc nồi đồng Mẹ dùng nấu cơm, đun nước uống cho chồng và các con cùng bộ đội, du kích hiện đang được Bảo tàng trưng bày trang trọng trong chuyên đề "Bà Mẹ Việt Nam anh hùng". 

Mẹ Nguyễn Thị Thứ đã qua đời hồi 1 giờ 40 phút ngày 10/12/2010, thượng thọ 106 tuổi. Mẹ được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn.

 “Mẹ Nguyễn Thị Thứ đã hiến dâng các con mình cho Tổ quốc. Khi đất nước lâm nguy, đó là trách nhiệm và một niềm vinh dự, nhưng với Mẹ Thứ nỗi đau thương lại quá mức tột cùng". Mẹ đã về với các anh… Đất đã ôm lấy người phụ nữ kiên trung - người Mẹ Việt Nam Anh hùng huyền thoại. Mẹ không còn nữa, nhưng tên tuổi Mẹ vẫn mãi mãi ngời sáng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. 

Tác giả: Thanh Tâm

Nguồn tin: http://btlsqsvn.org.vn/


[Trở về]

Các tin mới hơn:

TRƯỜNG PTDTBT THCS TRÀ CANG
Địa chỉ: Thôn 5 xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Điện thoại :