Chi tiết tin

Ký sự: Trà Vân ngày ấy - bây giờ !

Hôm nay có dịp quay về Trà Vân, vùng đất tôi từng gắn bó một quãng thời gian khá dài trong sự nghiệp gieo chữ ở vùng cao, thấy biết bao sự đổi thay đến ngỡ ngàn. Mới hôm qua đây, vùng đất này vẫn còn chìm nổi trong bao gian khó, vậy mà giờ đây đất và người Trà Vân đã đổi thay đến lạ kỳ khiến cho tâm trạng một vãng khách như tôi phải bồi hồi, suy ngẫm.

      Ngày ấy…

      Năm 1998, lúc đó tôi là một chàng sinh viên non trẻ vừa mới tốt nghiệp ngành sư phạm. Khoác ba lô với bao nhiêu là nhu yếu phẩm cùng tư trang hành tiến lên vùng Tắk Pỏ để mở đường sự nghiệp. Ngày đó con đường từ thị trấn Trà My (huyện Trà My cũ) lên Tắk Pỏ chỉ là lối mòn nho nhỏ, mặt đường chông chênh đá núi, với những bóng cây cổ thụ cao vút trời xanh. Hai bên vệ đường toàn là bụi rậm, lau lách um tùm. Mặt đường thì nhấp nhô, khoảng vài cây số thì lại vượt qua khe suối, nước chảy cuồn cộn. Sáng hôm ấy, từ thị trấn Trà My, tôi dậy lúc 3 giờ sáng để kịp đón chuyến xe đò duy nhất chạy tuyến Tắk Pỏ - Trà My. Cơn mưa rừng ập xuống giữa đại ngàn càng khiếng cho nhiều đoạn đường bị lầy lội, trơn trợt. Hơn nửa ngày đường lắc lư cuối cùng chiếc xe “Đờ - Nôn” cũ kỹ cũng bò đến được Tắk Pỏ. Do trời tối nên tôi phải tá túc lạ khu trung tâm cụm xã này một đêm. Ở Tắk Pỏ ngày ấy buồn và hiu quạnh! Vùng đất nhỏ như lòng bàn tay ban đêm sương giăng mù mịt, khiến cho những ngôi nhà mái tôn lập xập phải đóng cửa ngủ sớm. Chỉ còn lại những phu trầm, phu quế “lục đục” suốt đêm. Đây là đêm đầu tiên tôi được hòa mình giữa đại ngàn trường sơn. Sáng sớm hôm sau, ăn vội gói mì tôm, tôi lại xách ba lô cuốc bộ gần 1 ngày đường vào xã Trà Vân. Một cảnh tượng không như tôi tưởng. Con đường chỉ là lối nhỏ, đi bộ lá lách cắt vào mặt cộng thêm những giọt sương còn đọng lại trên lá quét vào mặt nên rát da đến sờn gai ốc. Khi mặt trời nấp sau đỉnh Măng Ây (thôn 1 xã Trà Don) cũng là lúc tôi đặt bước chân đầu tiên đến ngôi trường Phổ thông cơ sở xã Trà Vân. Ngày ấy trường chỉ là một dãy phòng học bằng gỗ, phên ván tạm bợ. Ban đêm mọt khoét gỗ kêu rọt rẹt khiến tôi phải trở mình không yên giấc. Là thanh niên trai trẻ nên sau khi nhập trường tôi được ban giám hiệu phân công về đứng điểm trường nóc ông Ruộng ở thôn 3. Vậy là sau 3 ngày nhập trường, đôi chân cũng khỏe lại, tôi tiếp tục vượt qua dốc “mẹ ơi”, băng qua làng ông Ní, xuyên theo lối mòn hun hút về hướng thôn 3. Ngót nghét cũng hết gần 1 ngày đường mới tới nơi, mồ hôi nhuễ nhại, đôi chân sưng vù vì leo dốc, vượt suối khiến thân hình muốn rã rời ra từng mãnh. Nhưng, với nghị lực của thanh niên và lòng háo hức muốn được đứng lớp cũng đã giúp bản thân tôi vơi bớt miệt nhọc. Tuy rằng ngày ấy đời sống của đại bộ phận dân làng thôn 3 còn nghèo và đói kinh niên nhưng tấm lòng đồng bào vùng đại ngàn này lại giàu có vô cùng. Như thông lệ của người giáo viên vùng cao, nhập nóc phải trình diện, khi màn đêm buông xuống tôi lại được một số anh chị đồng nghiệp đi trước dẫn đến nhà già làng, trưởng thôn để ra mặt. Bên bếp lửa bập bùng của những ngày đầu thu với bao câu chuyện chốn sơn lâm quá mới lạ càng thu hút sự tò mò của tôi. Nghe nói có giáo viên mới về làng nên bà con cũng tụ tập về nhà già làng để “xem mắt”. Những cái bắt tay, vỗ vai càng khiến cho tâm trạng của người “lính mới” như tôi đỡ bớt bồn chồn. Hôm sau tôi được lên lớp, những học trò tiểu học nhỏ xíu với đôi mắt đen ngòm, mặt mày lem luốc cứ nhìn mãi vào tôi. Lâu lâu lại nghe những lời thì thầm bằng tiếng địa phương khiến tôi đôi lúc cũng ngớ người. Điểm trường tôi dạy chỉ là căn phòng tranh tre, nứa lá rộng chừng 20 mét vuông. Bàn học chỉ là những thân cây lồ ô nẹp lại nhấp nhô. Vì vậy mà nét chữ của học trò trở nên nghiêng ngả, xiêu vẹo. Lớp học đầu tiên mà tôi dạy toàn là những học trò ngoan hiền, tuy ngày đó ngôn ngữ còn bất đồng nhưng học trò học khá nghiêm túc. Vì vậy đã tiếp thêm nghị lực cho tôi ra sức gieo chữ ở vùng núi heo hút này. Và thời gian cứ mãi trôi qua, hè đến tôi rời làng; khi dứt đêm hội trăng rằm, tôi lại về với làng nóc, về với những học trò bé nhỏ của tôi. Quả thật những năm đầu đến với nghề giáo viên chốn rẻo cao này thuận tiện thì ít mà khó khăn lại cao hơn quả núi, gian nan nếu chất chồng lại gánh cả năm trời vẫn chưa vơi. Do ngôi làng quá xa trung tâm xã, lại nằm trong thung lũng hẻo lánh nên mọi sinh hoạt, ăn uống rất kham khổ. Cá khô và rau rừng vẫn là món ăn truyền thống mà chúng tôi phải đón nhận. Tội nhất là những giáo viên nữ, mọi sinh hoạt cá nhân hết sức khốn khó. Vì đường đi quá xa nên cả tháng trời chưa ra xã trừ những lúc có việc đột xuất. Còn với giáo viên nam chúng tôi, khi đêm đến lại rủ nhau vào nhà bà con để chuyện trò, những mùa tỉa hạt, mùa lễ hội chúng tôi lại được thưởng thức rượu cần, cơm lam cùng bao món ăn truyền thống mà dân làng ưu tiên tặng thầy cô. Hầu như suốt quãng thời gian dạy học tại vùng thôn 3, tuy đời sống bà con còn khó khăn nhưng dân làng vẫn chắt chiu dành những hạt gạo đỏ biếu thầy cô ăn no cái bụng để có sức mà dạy chữ cho con cháu dân làng. Những lúc bà con đi săn được con thú rừng hay bắt được con cá sông cũng dành miếng ngon cho chúng tôi. Bám nóc, bám làng gieo chữ suốt một thời gian khá dài rồi tôi cũng được luân chuyển đi nơi khác để tiếp tục sự nghiệp trồng người chốn rẻo cao. Tuy đi xa nhưng tình cảm mà người dân thôn 3 Trà Vân dành cho chúng tôi chắc có lẽ chẳng bao giờ phai nhạt trong tâm trí. Bởi trong gian khó tình người luôn gắn bó! Khó khăn nhưng hạnh phúc vì được dân làng thương yêu, chở che, đùm bọc.

Tác giả (bìa phải) trong lần về thăm lại dân làng Thôn 3 xã Trà Vân

      Bâygiờ

     Hôm nay, nghĩa là đã 16 năm trôi qua kể từ ngày tôi chấp tay đặt viên phấn trắng đầu tiên lên bảng đen ở xã Trà Vân, có dịp về thăm lại vùng đất in đậm bao kỷ niệm trong tâm trí tôi, mới thấy mọi sự đã đổi thay đến ngỡ ngàn. Những con đường, lối đi, ngôi trường, làng nóc như được thay một tà áo mới, chỉ có những khe suối mà mỗi khi về xuôi tôi lội qua là còn giữ được dáng hình ngày xưa. Con đường từ thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My) bây chừ đã được rải nhựa suốt tuyến. Mặt đường rộng và bằng phẳng chỉ cần chạy xe máy chừng 1 tiếng đồng hồ là tới Tắk Pỏ. Trung tâm hành chính huyện Nam Trà My cũng đổi thay đến là kỳ. Những ngôi nhà ngói mọc lên, bao nhiêu công sở bề thế sừng sững giữa đại ngàn đã lấp hết những khoảng trống hiu quạnh mà ngày đầu tiên tôi lên đây cảm nhận. Khi đêm xuống những bóng đèn cao áp thắp sáng những cung đường quanh co. Rồi các học trò cấp 3, cấp 2 rủ nhau dạo chơi 2 bên vệ đường, các quán cá phê đèn sáng nhấp nháy là nơi hẹn hò của các thanh niên trai gái… càng khiến cho không khí ở Tắk Pỏ mang một chút gì đó của phố phường. Con đường từ Tắk Pỏ vào Trà Vân cũng đã được tráng nhựa rộng thênh thang. Nếu như ngày đầu tiên tôi lên đây phải mất gần 1 ngày đi bộ mới tới xã thì hôm nay chưa đầy 1 giờ bon bon xe máy là tới nơi. Quả là điều sung sướng cho các đồng nghiệp trẻ bây giờ! Quay về Trà Vân hôm nay, ngôi trường xiêu vẹo như run rẫy mỗi khi có gió chiều hôm nào giờ đã được xây dựng kiên cố, bề thế bằng xi măng. Phòng học, phòng ở của giáo viên cũng đã được trang hoàng. Tiếng mọt khoét vào cây cột gỗ của trường đã chìm vào dĩ vãng. Trung tâm xã Trà Vân hôm nay cũng rộn ràng, nhộn nhịp hơn trước đây khá nhiều. Những quầy tạp hóa, quán karaoke… mọc lên khá nhiều cũng đã chu cấp được một phần nhu cầu tiêu dùng cho người dân và các đồng nghiệp của tôi đang công tác nơi đây. Trụ sở làm việc của xã cũng đã được xây dựng rộng rãi thoáng đãng. Đường từ xã về thôn 3 cũng đã được đầu tư san ủi, xe máy chạy một mạch là tới nơi tôi dạy năm xưa. Chốc chốc lại gặp những thanh niên điều khiển xe máy chạy qua lại trên cung đường mới. Ấy là đời sống dân làng đã thực sự đổi thay. Có khá giả mới mua được phương tiện đắt tiền. Dốc “mẹ ơi” đã vắng bóng người qua lại, những vườn ổi nằm ngang đỉnh dốc mà chúng tôi thường hái ăn cho ấm bụng năm xưa chừ có lẽ đã um tùm, sum suê vì vắng dáng người leo trèo. Làng ông Ní không còn lợp mái lá, dựng phên tre mà thay vào đó là những ngôi nhà tôn sáng loáng. Tầm nửa buổi đứng ở đầu làng nhìn mặt trời chiếu thắng vào mái tôn cho một màu lấp lánh chói cả mắt. Nóc ông Ruộng bây giờ cũng đổi thay, vẫn những con người với nụ cười thân thuộc năm xưa nhưng cuộc sống đã tiến thêm bước mới. Chuyện nghèo thì vẫn còn nhưng cái đói đã lùi xa. Bà con ở đây đã biết trồng lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện cuộc sống. Nhà cửa trong làng được Nhà nước đầu tư hỗ trợ nên giờ đã được lợp tôn, sườn gỗ cứng cáp. Tay bắt, mặt mừng vì gặp lại người cũ, bà con lại rủ về nhà cùng ăn thịt gà uống rượu cần ôn lại chuyện xưa. Đêm đến, nguồn điện thủy luân mà dân làng bắt ở con suối sau làng thắp sáng những ngôi nhà khiến tôi hết sức bỡ ngỡ. Rồi tiếng nhạc bolero từ dàn đầu đĩa hay những khúc ca trên ti vi đã xoa được sự sự tĩnh lặng của làng ông Ruộng. Những lớp học trò lem luốc mà tôi nén nót từng con chữ năm xưa giờ cũng trưởng thành, có người học cao về làm cán bộ xã, số thì lập gia đình xây dựng cuộc sống mới trên quê hương, số khác thì đi xuất khẩu lao động ngoại quốc để gầy dựng tương lai mới. Lớp học trò hiện tại đã sáng sủa, gọn gàng, không còn tội nghiệp, lam lũ như những học trò của tôi năm xưa.

     Tuy xa Trà Vân chưa lâu so với thời gian một đời người nhưng những đổi thay trên vùng đất này khiến ai đến cũng đều choáng ngợp. Hỏi ra mới biết, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự đoàn kết quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền xã và hơn hết là ý thức tự lực, tự cường của người dân đã khiến cho Trà Vân thay da đổi thịt. Chính niềm tin và nghị lực đó đã biến Trà Vân từ một vùng quê nghèo, hẻo lánh đã vựt dậy chuyển mình trong niềm tin mới. Tin tưởng rằng, rồi đây quê hương Trà Vân sẽ còn  chuyển mình tiếp tục đi lên trên con đường dựng xây mới. Để mỗi lần quay về thăm lại trường xưa tôi phải choáng ngợp trước bao đổi thay của đất và người mà tôi đã một thời gắn bó đến thân thương.

Tác giả: Quang Ngọc-HT

 

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TRƯỜNG PTDTBT THCS TRÀ CANG
Địa chỉ: Thôn 5 xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Điện thoại :