Chi tiết tin

Sáng tạo nhân văn

Sáng tạo nhân văn

Giải pháp chế tạo thiết bị đọc sách thông minh hỗ trợ cho những người có vấn đề về thị giác hoặc mắc chứng khó đọc của nhóm Kiến Thị (Trường THCS Nguyễn Du, Tam Kỳ) được đánh giá là đề án nhân văn. Giải pháp này đã đoạt giải nhì trong cuộc thi hành trình kiến tạo tương lai năm 2019.

Nhóm “Kiến Thị” nhận giải nhì Cuộc thi hành trình kiến tạo tương lai năm 2019. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nhóm “Kiến Thị” nhận giải nhì Cuộc thi hành trình kiến tạo tương lai năm 2019. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Vị nhân”

“Sáng tạo vị nhân” là slogan của nhóm thực hiện đề tài “Thiết bị đọc sách thông minh dành cho người mắc hội chứng khó đọc”. Giải pháp này được Ban Giám khảo Cuộc thi hành trình kiến tạo tương lai (solve for tomorrow) năm 2019 đánh giá là giàu tính nhân văn. “Vị nhân”, vì đề tài hướng tới mục tiêu giúp đỡ những người khó khăn.

Chủ nhân của giải pháp nhân văn này là hai cậu học trò lớp 7 Trường THCS Nguyễn Du (Tam Kỳ): Nguyễn Lê Trân (đội trưởng) và Hoàng Việt Thắng (thành viên). Cô giáo Nguyễn Kim Thu Mỹ - giáo viên chủ nhiệm của hai em và huấn luyện viên của đội là thầy Lê Quý Sang - giảng dạy tại “Vườn sáng tạo” Tam Kỳ, là người đồng hành với Thắng và Trân trong suốt cuộc thi, theo yêu cầu của Ban Tổ chức.

Thành công của nhóm có lẽ bắt nguồn từ những điểm chung dễ thương của Nguyễn Lê Trân và Hoàng Việt Thắng: chung sở thích đọc sách, chung niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo. Giải pháp của Việt Thắng và Lê Trân cũng xuất phát từ niềm đam mê này. Chia sẻ về ý tưởng chế tạo thiết bị đọc sách thông minh hỗ trợ người có vấn đề về thị giác hoặc mắc chứng khó đọc (dyslexia), Lê Trân và Việt Thắng cho biết, cả hai tình cờ xem một video clip về một căn bệnh gọi là hội chứng khó đọc.

“Những người mắc hội chứng này thường gặp rắc rối về đọc hiểu và đánh vần, dù trí tuệ bình thường. Khi xem clip, chúng em nảy sinh ý tưởng: làm thế nào để biến những trang sách thành âm thanh để giúp đỡ những người mắc chứng này. Thế là cả hai suy nghĩ, nghiên cứu chế tạo thiết bị đọc sách thông minh để hỗ trợ người gặp khó khăn trong việc đọc” - Việt Thắng chia sẻ.

Nguyễn Lê Trân (trái) và Hoàng Việt Thắng thuyết trình đề án Thiết bị đọc sách thông minh hỗ trợ người có vấn đề về thị giác hoặc mắc chứng khó đọc. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyễn Lê Trân (trái) và Hoàng Việt Thắng thuyết trình đề án Thiết bị đọc sách thông minh hỗ trợ người có vấn đề về thị giác hoặc mắc chứng khó đọc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tên nhóm “Kiến Thị”, nghĩa là kiến tạo sản phẩm cho người có vấn đề về thị giác và giúp đỡ những người bị hội chứng khó đọc cũng xuất phát từ đây.

Sân chơi sáng tạo

Cuộc thi hành trình kiến tạo tương lai năm 2019 thu hút 56 trường thuộc các tỉnh Bến Tre, Tây Ninh, Quảng Nam, Đồng Tháp với 114 đội thi bao gồm 103 giáo viên và 436 học sinh tham gia (vòng chung kết tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh). Đây là cuộc thi do Samsung khởi xướng từ năm 2009 trên toàn cầu nhằm tạo ra sân chơi sáng tạo, giúp học sinh chủ động tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề thuộc một hoặc nhiều lĩnh vực như kinh tế, giáo dục, môi trường, y tế và sức khỏe. Tại Việt Nam, Cuộc thi hành trình kiến tạo tương lai với sự đồng hành của tổ chức giáo dục phi lợi nhuận Teach for Vietnam, đã giúp đào tạo kỹ năng STEM (kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và tiếng Anh).

Cô giáo Nguyễn Kim Thu Mỹ nhận xét về hai học trò của mình: Lê Trân được nuôi dưỡng niềm đam mê với máy tính từ bé. Còn Việt Thắng có khả năng thuyết trình tốt. Cả hai đều là học viên ở “Vườn sáng tạo”, và đều thích nghiên cứu, đam mê sáng tạo. Ở lớp, khi được giao việc gì, cả hai đều có trách nhiệm và hoàn thành tốt nên cô giáo chủ nhiệm rất yên tâm và tin tưởng, cũng như cô tin tưởng vào đề án mang tính nhân văn của hai em vậy.

Dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên và sự đồng hành của giáo viên phụ trách, hai em mày mò nghiên cứu, lựa chọn công nghệ (công nghệ quét ảnh, công nghệ đọc), mua sắm thiết bị, viết thuật toán... trong khoảng 2 tháng. Lê Trân cho biết, thiết bị để thực hiện giải pháp, từ mạch, camera đến loa, vỏ... có chi phí khoảng 1,5 triệu đồng; trong khi đó, thiết bị khác, có ứng dụng tương đương, được bán trên thị trường với giá 5,5 triệu đồng.

Thuật toán phần mềm của giải pháp từ khi bắt đầu (trang sách) đến khi kết thúc (phát ra âm thanh từ loa) trải qua 6 bước. Từ mạch raspberry pi, webcam và loa bluetooth..., nhóm “Kiến Thị” đã kết nối để thiết lập nên một hệ thống quét chữ từ hình ảnh, sau đó phân tích và đọc bằng âm thanh. Kết quả nghiên cứu là đọc được một trang sách tiếng Anh và đọc được một số từ tiếng Việt đơn giản. Lê Trân cho biết, từ kết quả này, hướng phát triển đề tài của nhóm là nhanh hơn bằng cách hoàn thiện công nghệ; gọn, đẹp hơn nhờ tích hợp loa vào sản phẩm và chuẩn hơn nhờ thêm dữ liệu vào database.

Giải pháp của Nguyễn Lê Trân và Hoàng Việt Thắng đoạt giải nhì Cuộc thi hành trình kiến tạo tương lai sau khi trải qua 3 vòng thi. Theo cô giáo Nguyễn Kim Thu Mỹ, tham dự cuộc thi, hai em không chỉ được thỏa mãn niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo; sáng kiến của các em đã đóng góp tích cực và nhân văn cho cộng đồng; thêm vào đó, các em còn có cơ hội trau dồi thêm tiếng Anh, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm...

CHÂU NỮ

Tác giả: CHÂU NỮ

Nguồn tin: http://baoquangnam.vn

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TRƯỜNG PTDTBT THCS TRÀ CANG
Địa chỉ: Thôn 5 xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Điện thoại :