Chi tiết tin

Xóa điệp khúc “học sinh bỏ học sau Tết”

Điệp khúc “học sinh nghỉ học sau Tết” ở huyện miền núi Nam Trà My gần như bị xóa bỏ khi hệ thống trường lớp bán trú dần dần được mở rộng, số lượng học sinh được ăn ở tại trường ngày càng lớn.

Xóa điệp khúc “học sinh bỏ học sau Tết”

Từ sáng 14/2 (trước ngày học đi học sau kỳ nghỉ Tết 1 ngày) học sinh các trường học có tổ chức bán trú trên địa bàn huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) đã trở lại trường.

Cùng với đó là đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường học đã phát huy tốt vai trò của những tuyên truyền viên đến gõ cửa từng nhà, bám sát từng đối tượng học sinh để vận động ra lớp, ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng một cách hiệu quả.

Phát huy vai trò của giáo viên

Vẫn còn thời gian nghỉ Tết 2 ngày, tuy nhiên, thầy Lê Hồng Thứ - Giáo viên Trường TH Ngọc Linh (xã Trà Linh) đang công tác tại điểm trường thôn Tăk Ngo đã trở lại đơn vị công tác.

Sau khi sắp xếp, dọn dẹp lại ngôi nhà tạm do chính tay mình dựng lên bên cạnh lớp học, thầy thắp nén hương lên trang thờ, rồi nhanh chóng xuống thôn bản vào thăm từng nhà học sinh.

Hơn 7 năm đứng chân dạy học ở điểm trường gần như khó khăn nhất huyện miền núi Nam Trà My này, thầy vừa đảm nhận nhiệm vụ của một giáo viên dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, vừa đảm nhân vai trò của một tuyên truyền viên vận động học sinh ra lớp.

Có hơn 20 năm kinh nghiệm lăn lộn khắp các điểm trường dạy học trên địa bàn các vùng khó huyện Nam Trà My nhưng đối với thầy cả nhiệm vụ dạy học và vận động học sinh ra lớp đều là những công việc hết sức khó khăn, vất vả.

Bởi nói như lời tâm sự của thầy thì một khi đảm nhận sứ mệnh “cõng chữ lên non” thì mỗi người giáo viên không chỉ có vai trò quyết định trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chấy lượng giáo dục, mà còn là nhân tố quan trọng cho công tác huy động học sinh đến trường, ngăn chăn học sinh bỏ học giữa chừng.

Thầy Hồng cho biết: Đối với những người giáo viên cắm bản, ngoài việc đảm bảo sỉ số học sinh lớp mình phụ trách, thì còn có một nhiệm vụ khác là thực hiện vận động học sinh các lớp học khác trong trường đang học ở điểm trường chính và học sinh đang theo học ở những bậc học cao hơn.

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của giáo viên trong năm học, khi mà tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng vẫn còn tiếp diễn, xảy ra ở địa bàn trường học miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính vì điều đó mà theo thầy Nguyễn Thanh Hùng – Hiệu trưởng Trường TH Ngọc Linh, trong những năm học gần đây, số lượng học sinh bỏ học giữa chừng đã ngày càng giảm.

Tình trạng học sinh nghỉ học kéo dài sau kỳ nghỉ hè, nghỉ tết, rồi dẫn đến bỏ học đã giảm hẳn, không còn là nỗi trăn trở, lo lắng như những năm trước đây.

Đó là kết quả từ việc triển khai thực hiện nhiều giải pháp, huy động được sức lực, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhất là các giáo viên đứng chân dạy học tại các điểm trường lẻ, kết hợp với lực lượng chính quyền xã, thôn, bản trong việc tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp.

Thầy Hùng cho hay: Căn cứ vào điều kiện đặc thù cũng như đời sống của học sinh, mấy năm học trở lại đây nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực, nhằm huy động học sinh ra lớp và đảm bảo sĩ số học sinh.

Việc giáo viên trở lại trường sớm sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán cũng như vào thời gian nghỉ hè là một trong những cách làm hiệu quả để vận động học sinh trở lại trường học, tránh tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng theo quán tính.

Dẫu biết rằng, việc trở lại trường sớm, có phần gây thiệt thòi đối với giáo viên, nhưng vì nhiệm vụ chung nên khi triển khai ai ai cũng đồng tình thực hiện.

Minh chứng cho điều đó là mặc dù kỳ nghỉ tết năm nay vẫn còn 2 ngày nữa những các giáo viên đã trở lại điểm trường công tác với một tinh thần trách nhiệm rất cao.

Xóa điệp khúc “học sinh bỏ học sau Tết”

Nhờ có mô hình trường học bán trú, tình trang học sinh nghỉ học sau Tết giảm hẳn.

Quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp

Có thể nói rằng, trong thời gian qua, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng ở huyện miền núi Nam Trà My trở thành vấn đề hết sức trăn trở của chính quyền và ngành GD&ĐT địa phương.

Theo thầy Võ Đăng Thuận – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My, nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học giữ chừng vẫn còn tiếp diễn là do thói quen, tập quán trong suy nghĩ của người dân, học sinh còn hạn chế.

Theo đó, do địa bàn miền núi quá rộng, phức tạp, công tác vận động học sinh đến lớp của nhà trường gặp nhiều khó khăn. Mặc dù, so với những năm học trước, hiện nay tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng trên địa bàn đã giảm hẳn.

Tuy nhiên, không vì thế mà nhà trường tỏ ra chủ quan trong việc thực hiện vận động học sinh ra lớp, duy trì đảm bảo sĩ số học sinh, nhất là mỗi sau kỳ nghỉ lễ tết.

Ngành Giáo dục địa phương đã triển khai nhiều giải pháp mang tính căn cơ, huy động toàn thể lực lượng từ chính quyền đến các lực lượng xã hội chung tay vào cuộc.

Trong đó, đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ này là đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường đã tích cực bán sát học sinh, gần gũi gia đình người dân thực hiện công tác tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp, vừa đảm bảo sĩ số lớp học thường xuyên, vừa hoàn thành nhiệm vụ công tác phổ cập các bậc học một cách bền vững.

Mỗi cán bộ, giáo viên các trường học luôn xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học và là nhiệm vụ thường xuyên của bản thân mình.

Điều đó đã lý giải được vì sao, trong những năm học gần đây tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng không chỉ giảm hẳn mà chất lượng giáo dục học sinh dân tộc được nâng cao rõ rệt.

Thầy Nguyễn Đình An – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My - cho biết thêm: Thời gian qua, nhờ có mô hình trường học bán trú mà các trường học trên địa bàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình.

Ngoài việc góp phần nâng cao được chất lượng giáo dục, các trường học còn duy trì được sĩ số học sinh, hạn chế thấp số lượng học sinh bỏ học giữa chừng.

Theo đó, nhờ sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ, sự quan tâm của chính quyền, sự hỗ trợ các tổ chức đoàn thể địa phương đối với học sinh dân tộc thiểu số.

Hệ thống trường lớp ngày càng được tu bổ, đầu tư xây dựng khang trang, trang thiết bị dạy học ngày càng được đảm bảo. Chính những việc làm này đã mang lại những lợi ích thiết thực, tạo sự gắn kết giữa nhà trường, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể với cộng đồng dân bản, vì vậy, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận động học sinh đến trường, ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học rất hiệu quả.

Nguồn tin: Báo mới

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TRƯỜNG PTDTBT THCS TRÀ CANG
Địa chỉ: Thôn 5 xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Điện thoại :