Thay nhau làm “đôi chân” cho bạn
Như một thói quen, hơn 2 năm qua, Hồ Thị Ánh Trăm và Hồ Thị Côi - học sinh lớp 7 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Leng (huyện Nam Trà My) đã thay phiên nhau cõng cô bạn thân là Hồ Thị Hai đến lớp học.
Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, Hồ Thị Hai đã mang trong mình căn bệnh teo cơ, nên đi lại rất khó khăn. Năm 2019, Hai không may giẫm phải đinh khi đang đi trên đường, rồi em bị nhiễm trùng sốt và bại liệt hai chân kể từ đó.
Gia đình thuộc hộ nghèo của xã, nên việc chữa trị cho em đành buông xuôi. Cũng như bao đứa trẻ khác, Hai luôn mong được cắp sách tới trường. Chứng kiến và thương con gái chịu nhiều thiệt thòi, hơn 2 năm nay, mỗi sáng thứ 2, mẹ cõng lên trường và chiều thứ 6 đón về nhà.
Nhà Hai cách trường học hơn 5km nên em phải học ở lại tại ký túc xá trường. Mọi sinh hoạt cá nhân cho đến việc đến lớp đều phải nhờ bạn trong lớp. Đôi chân bị liệt, không có cha mẹ bên cạnh, mọi việc tưởng chừng như đơn giản giờ lại trở nên khó khăn gấp nhiều lần đối với cô gái nhỏ này.
Thương bạn không thể tự đi được, hai bạn Hồ Thị Ánh Trăm và Hồ Thị Côi học cùng lớp, hằng ngày đã thay nhau cõng em Hai đi học đều đặn. Quãng đường mà Trăm và Côi cõng em Hai đi học từ ký túc xá trường đến lớp học cũng không xa nhưng phải lên - xuống cầu thang để vào lớp học rồi trở về ký túc xá sau khi học xong.
Chính vì vậy, trong 2 năm qua bất kể nắng mưa, Trăm và Côi đã tình nguyện làm “đôi chân” để đưa Hai vượt qua mặc cảm đến với lớp học cùng với bạn bè của mình. “Tụi em chơi với nhau từ khi còn tiểu học, đến giờ không may Hai bị liệt không đi được. Bọn em thay nhau cõng Hai từ ký túc xá để đi vào lớp học. Suốt đoạn đường tụi em thường xuyên trò chuyện, động viên nhau cùng cố gắng học tập”, em Trăm chia sẻ.
Em Hồ Thị Côi là một trong những nạn nhân thoát nạn trong một vụ sạt lở đất ở Trà Leng (tháng 10/2020). Côi bị thương nặng phải điều trị gần 2 tháng mới khỏi bệnh. “Thỉnh thoảng chân em vẫn hơi bị đau do vết thương cũ gây ra. Nhưng không vì vậy mà em nhụt chí giúp bạn. Thầy cô bạn bè thường bảo em nhường cho bạn khác cõng bạn Hai đến trường nhưng em vẫn làm được; lúc nào đau chân quá thì em để các bạn cõng” - Hồ Thị Côi chia sẻ.
Chia sẻ nỗi đau của số phận
Cõng Hai đến trường đã trở thành thói quen ăn sâu vào tiềm thức của Trăm. Ngoài đồng hành cùng bạn tới trường, Trăm và Côi còn là người bạn thân để Hai tâm sự mọi buồn vui, động viên bạn vượt qua mặc cảm, vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Mỗi ngày trôi qua, hai em Trăm và Côi lại cõng bạn đến trường. Đôi chân của nghị lực và niềm tin đã tiếp thêm cho người bạn tật nguyền những sức mạnh vượt qua muôn vàn khó khăn trong cuộc sống. Những nụ cười của nghị lực, lạc quan của Hai đã vun vén cho tình bạn ngày càng thắm thiết hơn. Từ đó thôi thúc các em có động lực phấn đấu trong học tập và cuộc sống.
“Các bạn giúp em có cảm giác không bị lẻ loi, phân biệt đối xử. Đây là động lực để em có thể tiếp bước trên con đường học tập của mình. Em ước sau này trở thành một bác sĩ thật giỏi để chữa trị cho những người không may mắn như em” - em Hai bộc bạch.
Theo cô Đàm Thị Anh Lan - Tổng phụ trách Đội Trường Phổ thông dân tộc bán trú và THCS Trà Leng, ngoài Trăm và em Côi, trong lớp còn nhiều bạn giúp em Hai trong sinh hoạt hằng ngày và lúc đến trường.
“Các em giúp đỡ, tạo cho em Hai không khí như sống trong một gia đình. Hai rất chăm chỉ học tập, vui tươi và luôn hòa đồng với các bạn. Nhà trường luôn ghi nhận tấm chân tình của các em dành cho nhau. Trong tiết chào cờ, Liên đội của trường thường xuyên tuyên dương những việc làm của các em. Thầy cô luôn hỏi thăm tình hình sinh hoạt của Hai và có định hướng tích cực cho em”, cô Lan chia sẻ.
Cô Lan cũng cho hay, qua kêu gọi các nhà hảo tâm đã tặng em chiếc xe lăn nhưng do địa hình đồi dốc hiểm trở nên chiếc xe đã hư hỏng. Vì thế, mỗi ngày Trăm và Côi cùng các em học sinh khác tình nguyện làm “đôi chân” đưa Hai đến trường. “Hình ảnh học trò với dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền hậu cõng trên mình người bạn khuyết tật đọng mãi trong tâm trí tôi”, cô Lan tâm sự.